Thứ Hai, 22 tháng 7, 2013

Sinh vật ăn thịt đã đục trong đầu của cô gái một đường dài 12 mm và bắt đầu tiến đến ống tai.

Rợn người cô gái bị ấu trùng ruồi ăn thịt đục não

(VTC News) - Sinh vật ăn thịt đã đục trong đầu của cô gái một đường dài 12 mm và bắt đầu tiến đến ống tai.


Một vị khách du lịch người Anh đã gặp vấn đề nghiêm trọng sau chuyến đi Peru. Trở về nhà, cô gái 27 tuổi đã đến khám bác sĩ vì chứng đau đầu. Bác sĩ chẩn đoán khá lâu cho đến khi tìm thấy trong đầu bệnh nhân ấu trùng ruồi ăn thịt, International Business Times cho biết.
Ấu trùng ruồi ăn thịt 
Theo Rachel Harris, trong cuộc hành trình, cô phát hiện có ruồi bám trên tóc của cô, nhưng cô không để ý. Tuy nhiên, trên đường về nhà, cô bắt đầu cảm thấy đau dữ dội ở đầu và mặt, cũng như khó chịu trong tai. Các bác sĩ kiểm tra cẩn thận bệnh nhân và tìm thấy trong đầu cô có tám ấu trùng của loài côn trùng ăn thịt Cochliomyia hominivorax, còn được gọi là ruồi xám ăn thịt.
Sinh vật ăn thịt đã đục trong đầu của cô gái một đường dài 12 mm. Chúng bắt đầu tiến đến ống tai. May mắn thay, ấu trùng chưa chạm vào màng nhĩ, thần kinh mặt và các mạch máu. Tuy nhiên, các bác sĩ mới chỉ có thể gắp được hai trong số tám ký sinh trùng từ đầu cô gái. Nếu bò được đến não, chúng có thể gây tê liệt, xuất huyết, và kết quả là chết.
Huyền Lê

Thứ Ba, 16 tháng 7, 2013

Đến cơm cũng tẩm hóa chất, dầu ăn ép bằng lốp xe

Đến cơm cũng tẩm hóa chất, dầu ăn ép bằng lốp xe


Tranh cãi về tương ớt miền Trung gây ung thư

PGS. TS. Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm thuộc trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã cho biết, tại các tỉnh miền Trung của Việt Nam như Huế, Quảng Trị, Quảng Bình... các nhà sản xuất ớt bột, ớt khô sử dụng Rhodamine B rất nhiều. Hiện tượng Rhodamine B trong tương ớt cũng được phát hiện đầu tiên ở khu vực miền Trung.

Rhodamine B là một chất màu đỏ tươi, hình thức rất hấp dẫn. Đây là chất hóa học, dùng cho công nghiệp trang trí, in trên tranh vẽ, trên bảng quảng cáo, pha vào sơn để lên màu đẹp. Chất Rhodamine B cũng có khả năng phát huỳnh quang nếu chiếu dưới ánh nắng mặt trời hoặc tia tử ngoại.




Chính vì màu sắc bắt mắt nên Rhodamine B đã được đưa vào sản xuất thực phẩm. Đối với tương ớt, ngoại trừ ớt xanh và ớt vàng, quả ớt khi chín, có màu đỏ tươi rất đẹp nhưng khi đưa vào sơ chế, chế biến ớt, máu sắc bị biến đổi, không còn màu đỏ tươi như trước. Bởi vậy, đề tạo lại màu sắc đỏ tươi, bắt mắt, Rhodamine B đã được đưa vào sản phẩm để tạo màu sắc đồng nhất.

Tuy nhiên, sau thông tin nay, nhiều địa phương đã lên tiếng phản đối. Ông Nguyễn Quang Thử- GĐ Sở Công Thương Quảng Nam cho biết, những năm vừa qua, địa phương này thường xuyên kiểm tra nhưng không phát hiện thấy các chất độc hại, gây mất an toàn sức khỏe người tiêu dùng. Việc đưa ra thông tin không rõ ràng cơ sở nào, sử dụng chất gì, tỉ lệ bao nhiêu. Chỉ nói chung chung là người trồng ớt và các cơ sở sản xuất ở miền Trung thì vô tình sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm ớt có nguồn gốc miền Trung, làm phương hại đến nông dân trồng ớt, cơ sở chế biến ớt ở các tỉnh miền Trung".

Dầu ăn làm từ lốp xe

Trong quy trình sản xuất dầu ăn, để tiết kiệm thời gian và điện, một chủ cơ sở ép dầu ở xã Điện Thọ, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam đã cắt nhỏ lốp xe bỏ vào máy ép đậu phộng. Tại cơ sở ép dầu của ông Trương Căn (SN 1956, ngụ thôn Châu Lâu), trong quá trình ép dầu, để cho máy chạy nhanh, con trai ông Căn là Trương Công Thạnh (SN 1985) đã cắt nhỏ lốp xe đạp, xe máy bỏ chung với đậu phộng.



Theo trình báo, có 30 hộ dân đã ép dầu tại nhà ông Căn. Số dầu ăn bị trộn lốp cao su khi ép ước tính hơn 2.000 lít. Hiện tại giá mỗi lít dầu ăn được người dân bán với giá 90.000 đồng. Ngoài ra còn nhiều người ép dầu tại nhà ông Căn nhưng chưa trình báo.

Ông Căn cho biết: "Trong lúc ép máy bị nghẹt nên con tôi dùng ruột cao su xe đạp, Honda cắt nhỏ bỏ vào cối xay đậu cho khỏi bị nghẹt". Ông Căn hứa sẽ bồi thường, tuy nhiên cho đến nay, hơn 30 hộ dân trên vẫn chưa được ông Căn thực hiện lời hứa.

Bột nở 8.000 đồng/gói ngâm gạo khiến cơm nở gấp đôi

Theo tiết lộ của một phục vụ quán cơm trên đường Võ Văn Ngân (quận Thủ Đức, TP.HCM) thì chỉ cần 1 muỗng canh loại bột màu trắng có thể "hóa phép" cho 10 kg gạo nở bung trắng đều, hạt to mẩy khi đã chín thành cơm tương đương như khi nấu 20 kg gạo thông thường mà không mất nhiều công. Loại gia vị này được chủ quán cơm cho biết mua tại chợ Bà Chiểu.




Trên bao bì của loại hóa chất này hầu hết bằng tiếng nước ngoài, không có nhãn mác hay hạn sử dụng. Xé vỏ giấy ra thì thứ bộ trắng, nhỏ mịn như đường cát này có mùi thơm nhẹ. Những người có trong nghề gọi bột này là bột nở có tác dụng làm thịt nhỏ to ra gấp 2, hạt gạo ngâm đem hấp lên to ra gấp 2,3 lần mà chẳng cần công sức gì cả.

Xe khách chở gần 600 kg heo sữa bệnh

Ngày 10/7/2013, lực lượng chức năng TP. HCM phát hiện xe khách mang biển số 76K-4379 lưu thông trên QL1, hướng từ Đồng Nai về TP.HCM, với nhiều biểu hiện nghi vấn nên ra hiệu dừng xe để kiểm tra.

Khi mở cửa dưới gầm xe khách, cơ quan chức năng phát hiện có 7 thùng xốp chứa 577 kg heo sữa đã bốc mùi hôi thối, rỉ dịch, xuất huyết da. Thời điểm kiểm tra, tài xế không xuất trình được giấy tờ, không có giấy chứng nhận kiểm dịch.


Tài xế cho biết: "Số heo này được một người nhờ vận chuyển từ tỉnh Quảng Ngãi vào bến xe Miền Đông (TP.HCM), khi đến nơi sẽ có người ra nhận hàng".

Đến chiều cùng ngày, gần 600kg heo sữa bệnh trên được đưa đi tiêu hủy hoàn toàn. Nếu không bị phát hiện, số heo này sẽ được đưa đến các lò heo quay để chế biến rồi bán cho người tiêu dùng.

Rau ngót, cá tầm, cá quả nhiễm độc

Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) cho biết, trong tháng 6 vừa qua, qua kiểm tra các chợ đầu mối trên địa bà Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã phát hiện, 25 mẫu rau ngót thì có tới 7 mẫu có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức giới hạn cho phép. Còn trong 25 mẫu mướp đắng, có 2 mẫu bị phát hiện có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức giới hạn cho phép, 23 mẫu an toàn. Kiểm tra 30 mẫu cá tai một số chợ trên địa bàn Hà Nội bao gồm cá tầm, cá trê, cá quả đã phát hiện 1 mẫu cá tầm, 1 mẫu cá trê nhiễm hóa chất Malachite Green và 2 mẫu cá quả nhiễm kháng sinh NitroFurans.


Malachite Green là hóa chất được sử dụng để diệt vi khuẩn, nấm mốc ngoài da, NitroFurans là một loại kháng sinh trị bệnh hiện đang sử dụng cả cho người. Với những thực phẩm nhiễm hóa chất này, ngoài chuyện tích tụ trong cơ thể người gây ra các bệnh nan y còn có thể khiến cơ thể bị nhờn, kháng thuốc khi điều trị một số bệnh. Hai loại chất này đã bị cấm sử dụng tại Việt Nam từ năm 2007.

Thứ Bảy, 13 tháng 7, 2013

Nhận mặt ốc biển độc

Nhận mặt ốc biển độc

TT - Gần đây, báo chí đưa tin vụ ngộ độc do ăn ốc biển đã làm một người phải vào viện cấp cứu trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở, hôn mê sâu...

Một số loài ốc biển có tiền sử gây ngộ độc - Ảnh tư liệu
Đến nay, VN đã xác định được ít nhất ba loài ốc cối (Conus) chứa độc tố dưới dạng nọc độc (venom) có khả năng gây chết người. Trong đời sống tự nhiên, ốc cối sử dụng độc tố làm vũ khí săn mồi, có khả năng gây tê liệt con mồi trong thời gian rất nhanh. Song độc tố này bị bất hoạt ở nhiệt độ cao nên không gây ra ngộ độc thực phẩm.
Chọn mặt ốc để “né”

"Tuyệt đối không ăn những loài nghi ngờ có độc hay chưa được kiểm chứng an toàn thực phẩm"
Một số loài ốc chỉ độc ở bộ phận nhất định (thường là tuyến nước bọt). Sở dĩ dẫn đến ngộ độc với các loài này là do con người bất cẩn, không loại bỏ phần độc trước khi ăn. Nhưng cũng có những loài ốc luôn luôn độc và hết sức nguy hiểm đến tính mạng nếu chúng ta vô tình ăn chúng.
Đáng lưu ý là có một số loài ốc biển thông thường không hề gây ngộ độc cho con người, nhưng đột nhiên trong thời điểm nào đó lại trở nên độc mà chúng ta chưa thể biết nguyên nhân. Gần đây, khá nhiều loài ốc được ghi nhận là nguyên nhân của các vụ ngộ độc như ốc mặt trăng (turban), ốc đụn (the top of shells), ốc tù và (trumpet shells), ốc hương Nhật Bản (ivory snails), ốc trám (oliva)... Tại Brunei, năm trẻ em đã chết sau khi ăn ốc trám (hay còn gọi là ốc ôliu). Tại Đài Loan, 17 nạn nhân ngộ độc (một người tử vong) sau khi ăn món xào chế biến từ loài ốc bùn ca tút (Nassarius castus) và ốc bùn hình nón (N. conoides).
Tùy từng loài ốc, bản chất độc tố có thể là saxitoxin (độc tố vi tảo tích lũy trong các sinh vật hai mảnh vỏ, một số loài cua rạn...), hoặc tetrodotoxin (độc tố cá nóc, mực đốm xanh hay con so...). Độc tố trong các loài ốc mặt trăng, ốc đụn và ốc trám đã được xác định là saxitoxin. Trong khi đó, độc tố của ốc tù và (Charronia sauliae), ốc hương Nhật Bản (Babylonia japonica), ốc tù và gai miệng đỏ (Tutufa lissostoma), ốc bùn (Niotha, Zeuxis), ốc ngọc (Natica và Polinices didyma) lại là tetrodotoxin. Hai độc tố này đều thuộc loại độc tố thần kinh cực mạnh, không hề bị phân hủy, biến tính trong quá trình xử lý ở nhiệt độ cao nên vẫn tồn tại trong sản phẩm thức ăn đã được chế biến, xào nấu hay thậm chí kể cả sản phẩm cấp đông, đóng hộp.
Làm gì khi bị ngộ độc?
Sau khi ăn phải thực phẩm biển có chứa độc tố tetrodotoxin hay saxitoxin, triệu chứng ngộ độc xảy ra trong vòng 20 phút đến 3 giờ, nạn nhân có cảm giác tê, rát bỏng ở môi và đầu lưỡi. Hiện tượng tê, rát bỏng lan dần đến chân tay, đôi lúc có kèm đau đầu, đau bụng, đau cánh tay, đi đứng loạng choạng, nôn mửa dữ dội rồi khó thở, hôn mê, hô hấp ngưng trệ do bị tê liệt... Nạn nhân có thể chết sau 30 phút hoặc 8 giờ nếu không được cấp cứu kịp thời.
Hiện chưa có thuốc giải đặc hiệu cho các trường hợp ngộ độc do độc tố tetrodotoxin và saxitoxin. Biện pháp chữa trị y khoa hữu hiệu nhất là kích thích phản ứng nôn cho nạn nhân (nôn càng nhiều càng tốt), súc rửa dạ dày bằng than hoạt tính để thải loại bớt chất độc. Nếu nạn nhân có biểu hiện khó thở, lập tức phải tiến hành hô hấp nhân tạo, cho thở bằng máy.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh nên trước hết chúng ta cần hết sức thận trọng, tránh tò mò cầm nắm, đụng chạm vào những loài ốc lạ, màu sắc sặc sỡ... Tuyệt đối không ăn những loài nghi ngờ có độc hay chưa được kiểm chứng an toàn thực phẩm. Mặt khác, sau khi ăn bất cứ loài ốc biển nào mà bạn cảm thấy có triệu chứng như đã mô tả ở trên, lập tức phải đến cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ điều trị kịp thời, tránh xảy ra chuyện đáng tiếc.
TS ĐÀO VIỆT HÀ (Viện Hải dương học)

Thứ Ba, 9 tháng 7, 2013

Một số bệnh hay gặp do ngồi nhiều

Một số bệnh hay gặp do ngồi nhiều

Những người có thói quen ngồi lâu đang tích tụ nhiều bệnh tật mà không hề biết. Tư thế ngồi tĩnh tại này khiến nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tiểu đường... cao hơn rất nhiều.

Ngồi lì trong thời gian kéo dài có thể gây hại cho sức khỏe, thậm chí dẫn đến tử vong, dù bạn là người thường xuyên tập thể dục. Một nghiên cứu mới đây của Australia cho thấy, những người ngồi trên 6 giờ một ngày, khả năng chết sớm trong vòng 15 năm tăng lên 40% so với những người chỉ ngồi 3 tiếng cho dù có tập thể dục, thể thao, chế độ ăn uống tốt.


Phó giáo sư Hoàng Công Đắc, chuyên gia trong lĩnh vực ngoại tiêu hóa chia sẻ một số bệnh thường gặp do ngồi nhiều:


1. Bệnh tim mạch


Người béo phì, ngồi nhiều dễ bị cao huyết áp, đây là nguyên nhân dẫn tới các tai biến về tim mạch như: suy tim, tắc động mạch vành, ứ đọng tuần hoàn ngoại vi do chi dưới ngừng hoạt động... Để phòng tránh, mỗi người cần tập thể dục một cách hợp lý sau mỗi giờ làm việc, có thể đứng dậy đi lại vươn vai hoặc ngồi thư giãn trên ghế, vuốt ngực, xoa bóp từ cẳng chân lên đùi. Ngồi trên ghế để hai chân sát xuống mặt đất, thân gấp với đùi một góc 135 độ và nhắm mắt thả lỏng người.


Hãy bỏ ngay thói quen dùng ghế có bánh xe để vừa ngồi vừa di chuyển trong phòng làm việc.






Ảnh minh họa: Visualphoto.



2. Bệnh xương khớp


- Thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống


Ở tư thế ngồi, trọng lượng của nửa người trên dồn về cột sống và điểm chịu áp lực lớn nhất là đốt sống thắt lưng, lưng, cổ. Vì thế, nhiều nhân viên văn phòng hay bị đau mỏi cơ vai gáy, thắt lưng, chuột rút ở các cơ vai gáy thậm chí đau đầu hoa mắt. Đặc biệt là khi vừa đánh máy vừa nghe điện thoại, điện thoại kẹp vào cổ và vai, hai tay đánh máy là một tư thế cực kỳ bất lợi, dễ gây hiện tượng đau vai gáy.


Bên cạnh đó, khi vùng đốt sống bị tỳ đè nhiều sẽ làm tăng áp lực, đẩy lồi các đĩa đệm ra làm tổ chức đệm phù nề, lâu ngày gây xơ hóa, chèn ép các rễ thần kinh dẫn đến đau thần kinh tọa. Đau thần kinh tọa: thường đau một bên, lan từ mông xuống kheo, xuống cẳng chân.


Tập thể dục thể thao hợp lý là một cách hiệu quả phòng bệnh. Những người bị thoát vị đĩa đệm nên chọn bơi lội là hợp lý nhất. Bệnh ở mức độ nhẹ thì điều trị bằng thuốc giảm đau, kết hợp vật lý trị liệu. Nặng thì phải mổ để giải phóng chèn ép.


- Bệnh gout


Gặp nhiều ở nam hơn nữ, người bệnh thấy đau nhức nhiều khi nghỉ ngơi, đau tăng khi hoạt động. Nguyên nhân là do tăng axít uric trong máu, axít này thường bị lắng đọng ở ngón cái, ngón út và gót.


Đề phòng bệnh cần ăn kiêng các loại thịt đỏ, thịt chó, lòng lợn tiết canh cộng với rượu bia. Đồng thời uống nhiều nước và tập vận động hợp lý để cơ thể thanh lọc tốt.


- Loãng xương


Loãng xương là hội chứng xương yếu, giòn và dễ gãy dù chỉ bị ngã hoặc va quệt nhẹ. Nguyên do xương bị mất khoáng chất, nhất là canxi. Thực tế, do ngồi nhiều và ít vận động, xương mất vôi, xương giòn dễ gãy, dẫn tới thoái hóa xương, thoái hóa cột sống thường gặp nhất.


Xương bắt đầu suy giảm mật độ khi bước vào độ tuổi 35. Khi đó, nếu không có chế độ dinh dưỡng phù hợp để bổ sung canxi cần thiết và có những biện pháp phòng ngừa thích hợp khác, lượng canxi dự trữ trong xương sẽ suy giảm dần, dẫn tới tình trạng mất xương và gây ra loãng xương sau đó. Khi đã bị loãng xương thì nguy cơ gãy xương hoàn toàn có thể xảy ra.


3. Bệnh hệ tiêu hóa


Ngồi nhiều sẽ dẫn tới giảm nhu động và tiết dịch của hệ tiêu hóa như: dạ dày, ruột. Vì thế, thức ăn vào hệ tiêu hóa không được lên men và hấp thụ hết sẽ tích tụ lại làm dạ dày ruột chướng hơi, đầy bụng. Từ đó, khiến nhiều người ăn không ngon miệng, ngủ không ngon giấc thậm chí mất ngủ và hay táo bón hoặc ỉa chảy do viêm dạ dày ruột, viêm tụy, sa trực tràng...


Bạn cần điều chỉnh chế độ ăn uống cân đối và hợp lý. Thành phần thức ăn trong bữa phải có đủ các chất: đạm, đường, mỡ, phải có chất xơ để chống táo bón. Hạn chế dùng các chất kích thích như chua, cay, dấm, ớt, hạn chế rượu bia và các nước có ga.


4. Bệnh hệ tiết niệu


Nhân viên văn phòng ngồi nhiều nước tiểu lắng đọng do ít vận động. Vì thế, viêm nhiêm đường tiết niệu sinh dục hoặc sỏi đường tiết niệu ở nhân viên văn phòng là bệnh hay gặp. Trong khi đó, viêm nhiễm là tiền đề của việc sinh sỏi.


Vì thế để phòng bệnh, cần thường xuyên vệ sinh đường tiết niệu sinh dục, uống nhiều nước, chọn môn thể dục thích hợp để luyện tập thường xuyên. Khi có viêm nhiễm hoặc có sỏi thì phải đến bác sĩ chuyên khoa để chọn phương pháp điều trị thích hợp


5. Bệnh về mắt


Ngồi lâu trước màn hình vi tính dễ mỏi mắt, dẫn tới khô mắt, chảy nước mắt. Trong văn phòng đèn quá sáng gây chói mắt, ngược lại đèn không đủ ánh sáng gây giảm thị lực nhanh chóng


Khi mỏi mắt hoặc khô mắt thì bạn nên nhắm mắt thư giãn tại chỗ 10-25 phút, nhỏ thuốc khi bị khô mắt hoặc nước mắt nhân tạo. Ngoài ra, cần ngồi đúng tư thế và mắt luôn cách màn hình 50cm.


Phương Tran

Thứ Năm, 4 tháng 7, 2013

Ngồi hơn 6 tiếng một ngày tăng nguy cơ ung thư


Ngồi hơn 6 tiếng một ngày tăng nguy cơ ung thư






Nam giới ít vận động sẽ có nguy cơ mắc ung thư ruột kết cao hơn những người năng động là 61%. Điều này cũng có nghĩa, thói quen ít vận động có thể “đóng góp” 160 triệu đôla mỗi năm vào chi phí chữa trị ung thư trên toàn thế giới.

Đây là kết quả nghiên cứu vừa được công bố bởi GE Healthcare - một công ty của Mỹ. Nghiên cứu tìm hiểu mối liên hệ giữa 4 thói quen xấu gồm: hút thuốc, uống rượu, chế độ dinh dưỡng thiếu khoa học và ít vận động với 3 loại bệnh ung thư: vú, phổi và ruột kết.​ 
Trong đó, những người ít vận động là người chỉ luyện tập thể dục 1-3 lần/ tháng, thay vì 3-4 lần/tuần theo một chế độ hợp lý, hay những người làm việc trong môi trường ít vận động và ngồi hơn 6 tiếng mỗi ngày. Chế độ dinh dưỡng thiếu khoa học được định nghĩa là tiêu thụ nhiều thịt đỏ, thịt chế biến sẵn và ít chất xơ. Sử dụng các chất cồn là sử dụng đồ uống có ít nhất 60g cồn nguyên chất trở lên với tần suất ít nhất 1 lần/ tuần. 
ngoi1-1372927831_500x0.jpg
Ảnh minh họa: Active.
Nghiên cứu được thực hiện vào tháng 5-6/2013 tại 10 quốc gia gồm: Braxin, Trung Quốc, Pháp, Đức, Ấn Độ, Nhật Bản, Ảrập Xêút, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh và Mỹ. 
Kết quả cho thấy, việc sử dụng thuốc lá có liên quan mật thiết tới sự hình thành và phát triển của ung thư phổi. Bên cạnh đó, những thói quen tiêu cực khác như ít vận động, chế độ dinh dưỡng thiếu khoa học dẫn tới hậu quả thừa cân, cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư. 
Một nửa những ca ung thư dẫn đến tử vong có thể được ngăn ngừa bằng cách tạo ra những thói quen lành mạnh, duy trì cân nặng hợp lý, không hút thuốc, ăn uống điều độ, chăm chỉ vận động và kiểm tra sức khỏe định kỳ. Tuy nhiên, những thói quen xấu tiếp tục diễn ra rất phổ biến ở tất cả những quốc gia được nghiên cứu.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, những thói quen và lối sống tiêu cực có thể khiến chi phí chữa ung thư tại 10 quốc gia này tăng thêm gần 34 tỷ đôla mỗi năm. Nếu giảm thiểu các thói quen này, hệ thống y tế toàn cầu có thể tiết kiệm lên tới 25 tỷ đôla.
Khảo sát cũng chỉ ra rằng, về vấn đề lười vận động, Ảrập Xêút và Anh đứng ở vị trí cao nhất. Gần 69% người dân Ảrập và 63% người dân Anh trên 18 tuổi có thói quen ngồi một chỗ, trong khi người Ấn Độ chỉ là gần 16% và người Đức là 28%.
“Cái giá mà thế giới phải trả cho những thói quen tiêu cực được công bố trong nghiên cứu này quả thực đáng kinh ngạc. Tuy nhiên, tôi cũng cảm thấy đó chính là động lực để chúng ta xem xét và điều chỉnh thói quen sinh hoạt hàng ngày. Số liệu này đã nhấn mạnh được tầm quan trọng của chiến dịch GetFit- Luyện tập vì một cơ thể khỏe mạnh”, ông John Dineen, Chủ tịch và CEO của GE Healthcare cho biết. 
Phương Trang - Lê Phương
Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...